Những cuộc chạy đua công nghệ cải tiến cho các Smartphone

Những cuộc chạy đua công nghệ cải tiến cho các Smartphone. Đó là những gì chúng ta đang thấy hàng ngày từ các sản phẩm công nghệ lần lượt ra đời.

Các hãng sản xuất sẽ tiếp tục tăng tốc trong cuộc đua cấu hình, nhất là ở màn hình, vi xử lý 64-bit, chức năng camera và những tính năng độc đáo nhằm tạo sự khác biệt của mình giữa hàng ngàn mẫu smartphone khác.

1. Cuộc chạy đua màn hình siêu độ phân giải

Thời gian gần đây, nhu cầu ngày càng cao về chất lượng hiển thị của một màn hình trên các thiết bị công nghệ nói chung và smartphone nói riêng đã khiến cho các hãng sản xuất phải đau đầu và luôn tìm hướng đi cho các dòng sản phẩm chủ đạo của mình. Có thể nói, trong khi Apple hiện đang khá yên tâm nhờ công nghệ màn hình Retina và mới đây là Retina HD thì các hãng khác dường như đang phải “vật lộn” để có được một màn hình có chất lượng sắc nét cao nhất có thể. Nếu trước năm 2013, các hãng đua nhau tạo ra các smartphone có độ phân giải Full HD (1.920x1.080 pixel) thì năm 2014 được xem là năm mở màn cho những smartphone có độ phân giải 2K (2.560 x 1.440 pixel), chẳng hạn như LG G3, Samsung Galaxy Note 4 hay Find 7 của nhà sản xuất Oppo đến từ Trung Quốc.


Yêu cầu về độ sắc nét của màn hình của người dùng smartphone ngày càng cao.
Với những ưu thế về độ sắc nét về hình ảnh hiển thị giúp cho những trải nghiệm trên smartphone trở nên hấp dẫn hơn, thì chuẩn 2K chắc chắn sẽ được các hãng sản xuất smartphone chạy Windows Phone hay Android khai thác và phát triển mạnh hơn trong năm 2015. Tuy nhiên, giống như Full HD trước đây, muốn độ phân giải 2K được phổ cập rộng rãi hơn thì các hãng cần phải tiếp tục nghiên cứu và cải tiến để những nhược điểm hiện tại của công nghệ này như khả năng tiêu tốn nhiều năng lượng cho màn hình cao hay chi phí đắt đỏ để sản xuất màn hình làm cho thời gian sử dụng và giá bán sản phẩm trở thành rào cản với đa số người dùng.

Trong thế giới smartphone hiện nay, độ phân giải HD hay Full HD không còn là một thông số quá “cao xa” nữa mà dần trở thành tiêu chí cần phải có trên các loại smartphone tầm trung. Đối với các smartphone màn hình lớn hơn 5 inch, Full HD chưa đủ để có được chất lượng hiển thị tốt nhất. Do đó, nếu muốn tồn tại trong cuộc chiến smartphone vốn rất khốc liệt hiện nay, dù muốn hay không các hãng vẫn cần phải trang bị độ phân giải 2K hay cao hơn nữa lên các mẫu smartphone “flagship” (chủ đạo) mới của mình. Cho nên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi năm 2015 sẽ là năm nở rộ của smartphone trang bị màn hình siêu độ phân giải như 2K chẳng hạn.

2. Vi xử lý 64-bit áp dụng phổ biến hơn

Năm 2013, Apple lần đầu tiên áp dụng điện toán xử lý 64-bit lên iPhone 5s với chip xử lí A7, khởi đầu cho xu hướng mới về công nghệ chip xử lý trên di động. Và cuối năm 2014, Apple tiếp tục nâng cấp chip xử lý 64-bit của mình lên thế hệ thứ hai và áp dụng trên iPhone 6/6 Plus mới của mình. Chắc chắn một điều là thế hệ iPhone mới của Apple ra mắt trong năm 2015 cũng sẽ tiếp tục kế thừa và được nâng cấp nền tảng xử lý 64-bit để có được hiệu năng và hiệu quả sử dụng tốt nhất.




Apple đã khởi đầu cuộc đua về chip di động 64-bit với Apple A7 trên iPhone 5s.
Trong thế giới smartphone dùng Android thì có lẽ các hãng sản xuất có phần bế tắc trong cuộc đua điện toán xử lý 64-bit trong năm 2014. Về phần cứng (tức chip xử lý 64-bit cho di động) thì phần nào đã sẵn sàng nhưng hệ điều hành Android mới nhất thời điểm đó là KitKat 4.4 lại chưa hỗ trợ kiến trúc xử lý 64-bit. Do đó, mọi nỗ lực để tạo ra các sản phẩm chạy chip 64-bit trên nền tảng Android 4.4 cũng chỉ dừng lại ở mức chạy đua cấu hình chứ không có hiệu quả thực tế.

Trong năm 2015, hàng loạt các smartphone cao cấp ra mắt vào năm ngoái từng bước được nâng cấp lên Android 5.0 Lollipop – bản Android đầu tiên hỗ trợ kiến trúc vi xử lý 64-bit dành cho di động. Tất nhiên, trong sân chơi của smartphone Android, thiết bị nào có cấu hình mạnh, dùng Android mới nhất thì được lòng người dùng hơn. Do đó, xu hướng tất yếu có thể nói đến ngay là trong năm 2015 sẽ là sự xuất hiện của hàng loạt smartphone mới được trang bị chip xử lý 64-bit và cài sẵn Android 5.0 Lollipop với hiệu suất xử lý được khai thác tối đa.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất chip di động lớn như Qualcomm, MediaTek hay Nvidia cũng tung ra nhiều dòng vi xử lý kiến trúc 64-bit mới. Chẳng hạn như Qualcomm đã có bộ ba vi xử lý Snapdragon 410, 610 và 615 dành cho các smartphone giá rẻ, tầm trung và Snapdragon 808 và 810 dành cho các smartphone cao cấp.

Trao đổi với phóng viên PC World Vietnam, Tổng Giám đốc Asus Việt Nam Jeff Lo cho rằng nền tảng 64 bit đây là sự thay thế, nâng cấp hợp lý, đúng xu hướng để giúp thiết bị nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Riêng bản thân Asus cũng luôn nỗ lực chuyển đổi, tìm kiếm những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Do đó, các sản phẩm smartphone mới như các thế hệ ZenFone 2, các tablet mới như FonePad, MeMO Pad… đều được trang bị chip xử lý 64-bit để nâng cao trải nghiệm cho người dùng.

3. Chức năng chụp ảnh được đầu tư

Một điều dễ nhận ra là trong năm 2014, những dòng smartphone cao cấp ít “đầu tư thông số” cho camera chính mà đa phần tập trung nhiều ở chức năng camera phụ. Có thể nói, đi đôi với sự “thoái trào” của camera chính ở mặt sau thì là sự lên ngôi của camera phụ ở mặt trước. Đây cũng là bước đi theo xu hướng chụp ảnh selfie của người dùng trong năm vừa qua. Có lẽ nhu cầu selfie sẽ vẫn tiếp tục nóng và còn kéo dài khoảng vài năm nữa.

Do đó, năm 2015 có thể sẽ là sự phổ biến của những mẫu smartphone tích hợp camera phụ có camera góc rộng, hỗ trợ độ phân giải cao cùng với nhiều tính năng chụp ảnh selfie chuyên dụng mạnh mẽ, kế thừa những ưu thế từ những “người dẫn đường” vào cuối năm 2014 như Lumia 730, Xperia C3, Galaxy Grand Prime hay “khủng” nhất là HTC Desire Eye với camera mặt trước 13 megapixel hỗ trợ cả đèn LED flash kép trợ sáng.




Các hãng sản xuất hiện đang đua nhau sản xuất smartphone có camera “khủng”.

Tất nhiên, nhu cầu chụp ảnh với camera chính sẽ vẫn còn tiếp tục duy trì. Do đó, sau khi đạt ngưỡng về “số chấm”, công nghệ hình ảnh cho di động thì các hãng sẽ bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời những mẫu smartphone có chất lượng ảnh chụp tốt hơn. Các nhà sản xuất như Microsoft (Nokia cũ), LG hay Samsung dường như đã hiểu được nhu cầu chụp ảnh với các tuỳ chọn nâng cao không được ưa thích trên di động nên để giúp người dùng lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất, họ sẽ phát triển ra những tính năng chụp ảnh tự động thông minh hơn, với thao tác nhanh và dễ dàng nhất mà không cần bất cứ sự tinh chỉnh nào – điều này vốn đang được Apple làm rất tốt trên iPhone 6 và 6 Plus của mình.

4. Smartphone giá rẻ, cấu hình cao lên ngôi

Có lẽ chưa bao giờ thị trường smartphone giá rẻ, tầm trung lại sôi động như năm 2014. Hàng loạt sản phẩm của Asus, HTC,
Microsoft hay Samsung ra đời với cấu hình và tính năng không hề thua kém những smartphone cao cấp trước đó 1 đến 2 năm, trong khi mức giá chỉ 1/2 hay thậm chí chỉ bằng 1/3.





Thành công nhất có lẽ là Asus với loạt ZenFone và hãng này đã thừa thắng xông lên với mẫu ZenFone 2 cấu hình cao ra mắt tại triển lãm CES 2015 vừa rồi. Các hãng khác, nhất là Microsoft và rất nhiều nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc khác chắc chắn sẽ không thể đứng nhìn trước tiềm năng rất lớn của phân khúc smartphone này. Cuộc đua này trở nên gay cấn gấp bội so với ở phân khúc smartphone cao cấp, nên việc trang bị cấu hình cao, giá tốt hơn hay tích hợp những tính năng độc đáo nhằm tạo sự khác biệt (chẳng hạn như sạc nhanh, ra lệnh bằng giọng nói, cảm biến vân tay, màn hình chống trầy…) sẽ là những “chiêu” để các hãng tạo dựng chỗ đứng và thu hút người dùng. Do đó, chắc chắn năm 2015 sẽ là năm lên ngôi của smartphone giá rẻ - tầm trung cấu hình cao và giá bán tốt.

Nói riêng tại thị trường Việt Nam, phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung thực sự rất sôi động trong năm 2014. Các hãng đã bắt đầu chăm chút kỹ hơn cho các sản phẩm trước khi bán ra tại thị trường trong nước. Trong đó quan trọng nhất là bản địa hóa giao diện, ngôn ngữ, bộ gõ và các ứng dụng thuần Việt. Cả Samsung, Asus, HTC và LG đều làm tương đối tốt điều này. Đại diện các hãng công nghệ lớn trong nước cho biết họ sẽ tiếp tục phát huy những điều đã làm được và sẽ tìm hướng tiếp cận mới thân thiện hơn đối với người dùng Việt, nhất là ở chính sách bảo hành và hậu mãi khi mua mọi sản phẩm smartphone từ giá rẻ đến cao cấp.

5. Cuộc đua thanh toán di động trở nên gay cấn

iPhone 6 và 6 Plus với kết nối NFC hỗ trợ thanh toán di động (mobile payment) đã khiến các nhà sản xuất smartphone Android và Windows Phone phải “giật mình”, vì họ đã nhận ra kết nối NFC được tích hợp từ rất lâu trên các dòng smartphone của mình thực chất rất... vô dụng. Theo xu thế, các hãng sản xuất khác sẽ phải tiếp tục “chạy theo” Apple trong chức năng thanh toán di động. Giống như hành trình “học theo” chức năng nhận diện dấu vân tay Touch ID của Apple, các hãng sản xuất khác cũng sẽ mất nhiều thời gian cho chức năng thanh toán di động toàn diện. Dù sao đi nữa, theo xu hướng tất yếu năm 2015 cũng sẽ là năm của “thanh toán trên di động” trên thế giới.




Apple đã khởi động cuộc đua thanh toán trên di động với Apple Pay.

Nhận xét về xu hướng này tại Việt Nam, ông Jeff Lo cho rằng phương thức thanh toán này khá mới và bổ sung cho các phương thức cũ, nhưng tại Việt Nam sẽ còn khá nhiều thách thức mà các nhà phát triển ứng dụng phải vượt qua để có thể thành công. Lý do là bởi thói quen và văn hóa sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến của người Việt hay các lo ngại về bảo mật khi thanh toán…

6. Di động siêu bền trở nên phổ biến

Khái niệm “siêu bền” không còn xa lạ gì với người dùng công nghệ. Những năm trước đây các mẫu laptop, máy tính bảng và smartphone siêu bền đã được bán ra nhưng mức giá và thiết kế có vẻ kém hấp dẫn và còn kén người dùng. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây một số mẫu smartphone cao cấp được tích hợp chức năng chống bụi bẩn, chống thấm nước như Sony Xperia Z1/Z2/Z3 hay Samsung Galaxy S5 và gần đây nhất là HTC Desire Eye lại nhận được nhiều sự quan tâm.




Chống nước là một trong số các chức năng được các hãng tích hợp trên smartphone của mình để tạo sự khác biệt.

Ngoài ra, cuối năm 2014, một số hãng sản xuất như Samsung, Philips hay Oppo và Gionee của Trung Quốc bắt đầu cải thiện những nhược điểm về mặt năng lượng cho smartphone. Các sản phẩm này được trang bị pin dung lượng cao, tích hợp chức năng sạc nhanh, tiết kiệm năng lượng... để giúp sản phẩm của mình có được thời lượng dùng pin lâu nhất.

Bên cạnh đó, nhiều tin đồn về việc Apple và một số hãng khác sẽ trang bị kính sapphire hay kính Gorilla Glass 4 thế hệ mới trên các mẫu smartphone cao cấp mới hứa hẹn sẽ khởi động một xu hướng “thiết bị siêu bền” trong năm 2015.
Các chuyên gia và đại diện các hãng công nghệ tại Việt Nam cho rằng thị trường di động năm 2014 vừa qua là một năm của nhiều mới mẻ, thú vị, sôi động, đầy tiềm năng. Nhiều sản phẩm di động của các thương hiệu bước chân vào thị trường và tạo được dấu ấn rõ nét. Ngoài cấu hình và thiết kế, các sản phẩm chú trọng đến trải nghiệm của người dùng để khai thác tối đa các mục đích sử dụng đa dạng của đời sống.

Thị trường phân cấp rõ nét & ở phân khúc phổ thông có sự cạnh tranh rất sôi động nhưng vẫn nhiều tiềm năng. Sự phát triển của ứng dụng tạo đà để người dùng chuyển dịch từ điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh. Mạng xã hội phát triển, xu hướng chụp hình bằng smartphone lên ngôi khiến các nhà sản xuất đồng loạt chú ý và cải tiến công nghệ của mình.

Các hãng công nghệ lớn tại Việt Nam đều cho rằng, với đà phát triển của 2014 thì sang năm 2015, thị trường công nghệ trong nước sẽ chứng kiến thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị cho nhà sản xuất, người làm kinh doanh lẫn khách hàng tiêu dùng sản phẩm.

Tương lai chúng ta sẽ còn thấy nhiều hơn sự thay đổi về công nghệ mà không thể đoán trước được, điều chúng ta cần làm bây giờ là chờ đợi những thay đổi đó.

Theo PC World VN, 02/2015

LIKE and Share this article: :
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét